ĐỂ MỞ QUÁN CÀ PHÊ THÀNH CÔNG BẠN CẦN LÀM GÌ?
1. Không khác biệt trong kinh doanh quán cà phê
Bạn nghe hoài, nghe mãi câu “Muốn thành công thì phải khác biệt !”, vậy bạn đang làm gì ? Có nhiều người ảo tưởng rằng đi học pha chế xong thì có thể mở quán cà phê, bê nguyên xi những công thức mình học được vào menu, hoặc vung tiền ra cho người ta nhượng quyền thương hiệu rồi rung đùi đợi kiếm lời. Kinh doanh cà phê đâu có đơn giản như vậy…
Bây giờ đã quá nhiều quán cà phê rang xay mở ra, quá nhiều quán cà phê take away xuất hiện, đối thủ cạnh tranh nhiều vô cùng, nhưng điều đáng mừng là phần lớn đối thủ chỉ hạn chế trong những kiến thức mà bạn có thể đi học. Nếu muốn thành công thì bạn càng phải trở nên mạnh mẽ, phải sáng tạo từ những kiến thức bạn có được. Tóm lại, dù bạn mở quán hay chưa, tốt nhất là hãy liên tục tích góp kiến thức chuyên môn cho mình thì nhiều nhiều ý tưởng khiến bạn khác biệt sẽ xuất hiện.
2. Menu có số lượng mà không có chất lượng
Một lời khuyên chân thành nghe có vẻ xuồng xã là : Không ngon thì đừng có bán ! Tôi biết kiến thức của bạn bao la rộng lớn, bạn có cả trăm, thậm chí cả ngàn công thức… nhưng bạn chỉ nên đưa những thứ tốt nhất vào menu thôi. Nếu bạn bán cà phê đen, cà phê sữa, hãy đảm bảo là nó thật ngon. Nếu bạn bán tổ hợp nhiều thứ, cả sinh tố, cả yoghurt… hãy đưa những món ngon nhất vào. Chọn lọc để tạo ra menu tốt là một cách làm thông minh. Nó sẽ giúp bạn và nhân viên nhẹ nhàng hơn trong khâu chuẩn bị, khách hàng thì hài lòng vì số tiền họ bỏ ra luôn xứng đáng, chí ít là không quá tệ. Những sản phẩm tệ, không ngon, bị khách hàng chê sẽ khiến bạn mất tự tin tới nỗi nếu có khách gọi thì bạn sẽ hướng người ta tới món khác, vậy bạn cho vào menu có ích gì… Càng tồi tệ hơn là khi mới khai trương quán, một sản phẩm tệ sẽ đánh mất một khách hàng !
3. Không có một kế hoạch bền vững khi kinh doanh quán cà phê
Vẫn là những ảo tưởng về việc ngồi rung đùi kiếm lời sẽ giết chết bạn. Bắt chước nhưng lại không có kế hoạch khiến bạn chết dần chết mòn theo thời gian. Nói đơn giản nhất, bạn chỉ cần trả lời thực lòng mình câu hỏi này :Bạn tính kinh doanh quán cà phê của mình trong vòng bao lâu, 3 tháng, 1 năm, hay 5 năm – 10 năm, và bạn tính làm gì để phát triển lâu như vậy ?
Những kế hoạch không bao giờ là thừa cả, không những nó giúp bạn đi nhanh hơn mà còn giúp bạn an toàn hơn. Kế hoạch khai trương quán, marketing, kế hoạch xây dựng thương hiệu, kế hoạch phát triển sản phẩm, những dự trù tài chính, những kế hoạch phát triển quy mô… Tất cả đều cần thiết. Làm được bao nhiêu thì cứ làm, miễn sao đủ với thời gian mong muốn của bạn là được.
Nếu bạn muốn mở cửa từ 3 tháng tới 1 năm thì dễ quá rồi, bưng mô hình nào đó vô và ngồi rung đùi xem thử nó có thành công hay không. Tôi chúc bạn may mắn
4. Không tiết kiệm tiền dẫn đến thiếu tiền để mua những thứ cần thiết khác
À à, cái này là tôi thấy đau lòng nhất đây. Khởi nghiệp là một khoảng thời gian hưng phấn không thể tả, bạn lo lắng tỉ mỉ cho cả đống thứ nhưng bạn rất ít quan tâm tới tiền của mình. Bạn sẵn sàng vung tay khi nghe những lời đường mật như cái máy này tốt lắm, bán như vậy là đúng giá thị trường, hay là : anh lấy uy tín và danh dự ra đảm bảo với em… Trời ơi, các bạn đang kinh doanh, bạn cần phải biết cụm từ chi tiêu hợp lý chứ. Trước khi mua sản phẩm, bạn có cả khối thời gian để lựa chọn, so sánh chất lượng – giá cả, đắn đo xem nó có hợp với mình không. Còn khi mua rồi thì miễn trả lại bạn nhé… Thực sự rất đau lòng !
Quán Cafe Du Miêu
5. Quản lý kém, không tập trung đào tạo và tìm kiếm nhân viên
Nhân viên. Đây là một yếu tố dẫn đến thành công và là một vấn đề cực kỳ bức bối. Không phải đùa nhưng tầm quan trọng của nhân viên thực sự ngang ngửa với sản phẩm. Sản phẩm của bạn ngon nhưng chỉ có bạn pha ngon còn nhân viên thì pha dở. Nhân viên của bạn tay nghề tốt nhưng thái độ phục vụ kém. Nhân viên của bạn có vấn đề với sự trung thực… Cuối cùng, điều tệ nhất là bạn thiếu nhân viên trầm trọng dẫn đến mọi kế hoạch của bạn hoàn toàn phá sản. Việc thiếu nhân viên hoặc thái độ nhân viên không tốt sẽ làm bạn mệt mỏi, dần dần buồn chán với công việc, sau cùng là đóng cửa trong năm đầu tiên.
Nói về nhân viên có nghĩa là nói cả khâu quản lý, vận hành, có lẽ không phù hợp trình bày ở đây, nhưng một lần nữa, tôi xin nhấn mạnh, nhân viên là yếu tố cực kỳ quan trọng ! Tập trung đào tạo, phát triển, quản lý là điều hoàn toàn bình thường. Coi nhẹ nó mới là điều bất thường…
Còn một số điều bạn cần lưu tâm, nếu bạn kinh doanh quán cà phê thì cần chuẩn bị :
Sản phẩm : trước tiên là tập trung sản phẩm, tìm kiếm sự khác biệt, luôn suy nghĩ để tạo ra một menu hoàn hảo. Bạn có thể song song vừa tạo menu, vừa lên kế hoạch, nhưng hãy đặt sản phẩm lên hàng đầu. Kế hoạch tỉ mỉ cỡ mấy mà sản phẩm tệ thì không ổn đâu !
Chuẩn bị một kế hoạch vững vàng : kế hoạch càng tỉ mỉ càng tốt, càng có tầm nhìn xa càng tốt. Chí ít là phải có các cột mốc và mục tiêu, ví dụ như mục tiêu doanh số trong tháng đầu, trong năm đầu… Có bản kế hoạch tổng thể sẽ giúp đầu óc bạn sáng suốt hơn trong việc đưa ra những quyết định kinh doanh chiến lược.
Tuyển Nhân viên : nếu lo xong 2 vụ kia rồi thì tập trung vào nhân viên nhé. Bạn không cần phải kiếm nhân viên ngay lập tức, nhưng hãy lên hẳn một kế hoạch đào tạo cẩn thận, bài bản. Kế tiếp là một bản phân công công việc thật rõ ràng và cụ thể. Và cuối cùng là những dự trù liên quan đến nhân viên. Chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc lựa chọn và đào tạo những người bạn đồng hành của mình.
Tiền..Tiền : cuối cùng, khi đã quyết định tới thời điểm mở quán rồi, hãy sử dụng tiền cẩn thận. Máy móc, bảng hiệu, đèn đóm, âm thanh, nội thất, sơn sửa… mọi thứ đều không phải độc quyền, bạn có thể tham khảo giá hoặc tham khảo những khách hàng trước của họ, từ đó quyết định chi tiêu cho chính mình. Giả sử 1 ly nước bạn lời 8.000đ, nếu tiết kiệm được 8.000.000đ thì bạn đã tiết kiệm được 1000 ly. Tiết kiệm có nghĩa là chi tiêu hợp lý chứ không phải ki bo, ham đồ rẻ nhé
Chúc các bạn có những quyết định tuyệt vời khi quyết tâm kinh doanh mở quán cà phê thành công !